Tin tức sự kiện
PCCC Da Nang: Hướng dẫn cách xử lý khi có cháy nổ
Ngày 20/4, tại Hội nghị về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu hộ cứu nạn, Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Da Nang cho biết: “Trong năm 2016, trên địa bàn TP. Đà Nẵng xảy ra 40 vụ cháy, trong đó nhóm cơ sở nhà dân, cơ quan, doanh nghiệp, phương tiện giao thông xảy ra 37 vụ làm 01 người chết, 7 người bị thương. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra tới 15 vụ cháy làm 3 người chết. Ngoài thiệt hại về người và tài sản, cháy nổ còn gây hậu quả xấu đối với an ninh, trật tự an toàn xã hội và môi trường trên địa bàn thành phố”.
Công tác PCCC còn bị xem nhẹ
Trên địa bàn thành phố có 70 chợ, 41 siêu thị và trung tâm thương mại đang hoạt động với quy mô lớn cả về diện tích, ngành hàng, số lượng quầy, sạp kinh doanh với giá trị hàng hóa lên tới hàng tỷ đồng. Công tác PCCC tại các chợ, Trung tâm thương mại và siêu thị còn nhiều bất cập, nguy cơ cháy nổ vẫn luôn rình rập. Điển hình như: Hệ thống điện xuống cấp, các hộ kinh doanh chưa chấp hành nội quy PCCC, lực lượng bảo vệ còn mỏng cùng với phương tiện PCCC đã cũ, nguồn nước không đủ đáp ứng dẫn tới những tiềm ẩn cháy nổ rất lớn.
Đối với nhà chung cư và các nhà cao tầng thì việc thành lập Ban quản lý, Ban quản trị cũng như đội PCCC tại chỗ ở gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định cụ thể. Nhiều nhà chung cư cao tầng, người dân còn tự ý xây dựng, cơi nới, lấn chiếm thêm khiến lối thoát nạn bị ảnh hưởng.
Đà Nẵng hiện có 836 cụm, khu dân cư, theo thống kê có khoảng 67 khu dân cư có nguy hiểm về cháy nổ. Đây là loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao nên khi xảy ra cháy, nổ dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về tính mạng và tài sản.
Hướng dẫn cho dân cách xử lý khi có cháy nổ
Cháy, nổ bao giờ cũng để lại hậu quả nặng nề. Vì thế, phòng ngừa là khâu quan trọng nhất. Lúc xảy ra cháy rồi, cứu cũng chỉ là vớt vát, dập được đám cháy rồi cũng không còn gì nữa nên phải tập trung vào công tác phòng cháy.
Theo ông Thơ, việc phòng cháy là của cả hệ thống chính trị. Phải tăng cường ý thức của người dân, tăng cường sự lãnh đạo, tăng cường đầu tư trang thiết bị… chứ không làm chiếu lệ, qua loa để báo cáo lên cấp trên. Xảy ra cháy, nổ ở địa phương nào, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Kết thúc hội nghị, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết, sau hội nghị này khoảng 1 tháng, ông sẽ đi đến một số nhà dân bất kỳ để kiểm tra: “Tôi sẽ hỏi bà con nhân dân nhận được cái gì từ sự quan tâm của chính quyền các cấp liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Bà con được đi họp mấy lần, có ai ở đây đã được tập huấn? Có ai hướng dẫn cho bà con hay không?… Tôi làm như vậy với mong muốn công tác phòng cháy chữa cháy được tốt hơn chứ không phải họp cho xong”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói.