PCCC Đà Nẵng: Bật mí biện pháp pccc tại nhà cao tầng

Ngày 05/05/2017

Cháy nổ là một thảm hoạ đối với con người và tự nhiên, đứng hàng thứ 02 trong 04 quốc nạn “Thuỷ, hoả, đạo, tặc” gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường. Đồng thời, nó ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự. Do đó, để hạn chế những rủi ro không đáng có xảy ra thì PCCC Đà Nẵng sẽ “bật mí biện pháp pccc tại nhà cao tầng” trong bài viết sau đây.

Hiện nay, nhà cao tầng mọc lên rất nhiều sẽ kèm theo rất những rủi ro có thể xảy ra như: cháy nổ… Mỗi người chúng ta hiện nay đều đang làm việc, kinh doanh và sinh sống trong toà nhà  cao tầng, nên cần phải có những kiến thức cơ bản về PCCC để bảo vệ bản thân và cho những người xung quanh.

PCCC Đà Nẵng: Bật mí biện pháp pccc tại nhà cao tầng
Cách thoát hiểm khi có cháy nổ ở nhà cao tầng

Đặc điểm cháy ở nhà cao tầng

– Cháy thường kèm theo khói khí độc với nồng độ cao.

– Ngọn lửa dễ lan truyền theo các đường ống kỹ thuật sang ngang, xuống dưới, đặc biệt là lên cao.

– Ngọn lửa dễ phát sinh từ tầng hầm, tầng trệt, nơi để xe gắn máy, xe ô tô.

– Đám cháy phát triển mạnh khi có gió và khi ở vị trí cao của toà nhà.

– Cháy dẫn đến mất điện, gây khó khăn cho việc phun chất chữa cháy, thoát nạn, đặc biệt là các toà nhà không có hệ thống chiếu sáng sự cố.

– Việc tiếp cận và triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy rất khó khăn và mất nhiều thời gian vì độ cao.

– Việc thoát nạn cũng nhiều thời gian hơn, đặc biệt với các nhà công trình công cộng, nơi mà đa số người bị nạn không thường xuyên lui tới nên không thông thuộc đường đi lối lại.

– Còn quá nhiều người còn coi thang máy là lối thoát nạn. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại với các lý do sau:

+ Khi có cháy thang máy sẽ tự động trở về tầng trệt mở cửa và ngưng hoạt động, nguồn điện sẽ bị ngắt, theo đó đèn chiếu sáng và hệ thống thông gió trong đó cũng ngưng làm việc.

+ Giếng thang máy trở thành ống dẫn khói, lửa khổng lồ, đôi khi bị kẹt trên hành trình về tầng trệt nên đe doạ trực tiếp đến tính mạng của người trong thang máy.

+ Chúng ta thử hình dung: Cho dù thang máy có nguồn điện riêng, hành trình thang máy sẽ ra sao nếu đồng loạt các tầng đều gọi thang mà thang thì không được phép dừng ở tầng đang bị cháy, trong khi thang chở tối đa được 10-12 người/ chuyến.

Một số kỹ năng cơ bản PCCC tại nhà cao tầng

– Việc đầu tiên là phải xem cầu thang bộ, cầu thang thoát nạn ở đâu, có thể bạn đi bằng lối thang máy nhưng vẫn cần biết.

– Nên chú ý đến vị trí để các phương tiện chữa cháy bởi sử dụng chúng có thể tạo ra lối thoát nạn hoặc đôi khi các cuộn vòi (nước cứu hỏa) chính là các “dây” cứu nạn.

– Khi có cháy hãy bình tĩnh xử lý, đây là yếu tố quan trọng nhất. Sử dụng phương tiện sẵn có để dập cháy.

– Nếu không dập được hãy ra khỏi phòng và đóng cửa phòng bị cháy lại.

– Tìm các lối thoát nạn sẵn có theo đèn EXIT – Lối ra hoặc đèn chỉ dẫn mũi tên màu xanh. Hãy sử dụng cầu thang bộ, không dùng thang máy.

– Trên đường đi, báo cho hàng xóm hay người ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra.

– Nếu phải băng qua lửa, hãy dùng áo, chăn chất liệu cotton nhúng ướt và trùm lên đầu, lên người.

– Bò hoặc đi khom người khi di chuyển trong phòng có nhiều khói. Nếu không nhìn thấy lối thoát nạn thì nên lần – sờ theo một bên tường để đi, chắc chắn sẽ tìm thấy cửa ra. Nên dùng khăn ướt bịt miệng mũi.

– Nếu phải mở cửa, hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở.

– Khi mở nên tránh mặt và người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nên cúi sát người xuống sàn khi mở cửa.

– Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở.

– Nếu khói lùa, dùng vải, giẻ ướt nhét vào khe cửa; hoặc dùng băng dính dán chặt.

– Sau đó tìm lối thoát sang các phòng khác. Nếu không có lối ra, hãy di chuyển ra ban công, cửa sổ vì ở đó thường hay lắp ống thoát hiểm, ròng rọc cá nhân hay xe thang của lực lượng PCCC chĩa vào để cứu người.

– Từ đây hãy gọi to; dùng khăn, áo sáng màu ra hiệu cho Lực lượng PCCC biết.

– Trong khi chờ lực lượng PCCC hãy dùng các phương tiện có sẵn như: kìm cắt cửa, dây đai thoát nạn, ống thoát hiểm… để thoát ra.

– Nếu ở tầng thấp (từ tầng 6 trở xuống) và có nệm hơi cứu hộ ở dưới thì có thể (ra hiệu cho bên dưới chuẩn bị và nhảy xuống).

Các tòa cao ốc kiến trúc không giống nhau, do vậy khi đến sống và làm việc tại nhà cao tầng nào bạn nên lưu ý các chỉ dẫn về thoát hiểm tại đó. Đặc biệt, không nên bỏ lỡ các buổi tập huấn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn do ban quản lý tòa nhà tổ chức.

Mong rằng, mỗi người trong các tòa nhà cao tầng sẽ có thêm những kiến thức về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ để tránh được những hậu quả khó lường do cháy nổ xảy ra.

Đánh giá bài viết!