Làm gì khi xảy ra cháy nổ tại các tòa nhà cao tầng ?

Ngày 15/02/2017

Ở Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng hiện có rất nhiều công trình khách sạn, tổ hợp văn phòng, nhà chung cư cao tầng đã được đưa vào sử dụng. Hầu hết các tòa nhà đều được thiết kế, trang bị các thiết bị PCCC Đà Nẵng và có lực lượng chữa cháy cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay nguy cơ hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng vẫn luôn tiềm ẩn.

Để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách thức thoát nạn, có thể tự bảo vệ tính mạng và tài sản của mình khi xảy ra sự cố cháy, nổ trong các tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng,… phóng viên đã thực hiện phỏng vấn với Đại tá Nguyễn Huy Phong – Trưởng phòng Hướng dẫn Chỉ đạo về phòng cháy – Cảnh sát PC&CC TP Đà Nẵng.

PCCC Toàn Tiến Phát

Đại tá Nguyễn Huy Phong – Trưởng phòng Hướng dẫn Chỉ đạo về phòng cháy

 

Phóng viên(PV): Thưa Đại tá, xã hội phát triển kèm theo sự xuất hiện ngày càng nhiều các tòa nhà cao tầng hiện đại. Song cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó, nguy cơ về cháy, nổ tại các tòa nhà đó cũng rất cao, rất phức tạp. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu trên lĩnh vực phòng cháy, đồng chí cho biết những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến  hiểm họa cháy, nổ tại các tòa nhà cao tầng?

Đại tá Nguyễn Huy Phong (ĐT NHP): Thành phố Đà Nẵng đang trong giai đoạn xây dựng quy hoạch phát triển thành phố theo mô hình đô thị hiện đại do vậy sự xuất hiện các tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng không chỉ mang lại nhiều giá trị kinh tế, hiệu quả sử dụng diện tích mặt đất cao  mà còn có thể kết hợp nhiều công năng sử dụng như: chung cư, văn phòng, khách sạn trong một tòa nhà,…

Tuy vậy vấn đề an toàn, nhất là khi xảy ra sự cố cháy, nổ, nhà cao tầng, siêu cao tầng luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm lớn đối với những người sống và làm việc trong tòa nhà. Theo thống kê nhiều năm cho thấy số các vụ cháy tại nhà cao tầng và siêu cao tầng chiếm tỉ trọng nhỏ so với các vụ cháy xảy ra tại các tòa nhà thấp tầng, nhưng số lượng người bị chết trên một vụ cháy tại tòa nhà trên 25 tầng luôn cao gấp nhiều lần so với các tòa nhà thấp tầng khác.

Nguyên nhân chủ yếu gây ra thiệt hại về người trong các đám cháy nhà cao tầng và siêu cao tầng đó là do lối thoát nạn (hành lang, cầu thang bộ) trong tòa nhà bị chặn, xâm lấn bởi khói, khí độc và nhiệt độ từ đám cháy, dẫn đến quá trình sơ tán người tại các tầng cao không thể thực hiện và với đặc tính của đám cháy tại các tòa nhà này phát triển rất nhanh theo phương thẳng đứng, khi hệ thống chống tụ khói của tòa nhà không hoạt động hoặc không được trang bị, với tốc độ lan truyền sản phẩm cháy có thể lên đến hàng chục mét trên phút, thì chỉ trong một thời gian ngắn cả tòa nhà sẽ bị khói và khí độc bao phủ, con người sẽ chết do ngạt chỉ trong một vài phút.

Hiện nay, thoát nạn cho người trong các tòa nhà cao tầng và siêu cao tầng chủ yếu thực hiện bằng lối thang bộ nhưng thực tế nghiên cứu chỉ ra rằng, việc thoát nạn bằng thang bộ của tòa nhà luôn tiềm ẩn những hiểm họa, bởi trong trường hợp thang bộ bị khói và khí độc từ đám cháy xâm nhập thì quá trình thoát nạn không thể thực hiện, thậm chí kể cả trong điều kiện đảm bảo an toàn thì quá trình thoát nạn tồn tại những hạn chế sau:

Nếu quá trình thoát nạn bằng thang bộ của tòa nhà không được tổ chức hợp lý (thoát nạn từng phần, từng nhóm theo tầng) thì với số lượng người tăng đột biến từ các tầng cùng đổ về lối thoát nạn duy nhất là thang bộ thì gây ra hiện tượng tắc nghẽn tại lối thoát nạn và bên trong thang bộ, khi mật độ dòng người vượt quá 7,8 người/ m2  sẽ dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn, dồn nén không chỉ làm chậm quá trình thoát nạn mà còn có nguy cơ thương vong rất cao do dẫm đạp, xô đẩy.

Thoát nạn bằng thang bộ không chỉ khó khăn đối với những người có thể trạng yếu,phụ nữ có thai, người tàn tật… mà ngay cả với những người có thể trạng khỏe mạnh. Theo thực nghiệm nghiên cứu tiến hành đối với những người có thể trạng khỏe, có rèn luyện khi sơ tán theo đường cầu thang bộ có chiều dài từ 150m đến 1000m cho thấy phần lớn trong nhóm người này xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi chỉ sau 5 phút di chuyển cùng mật độ dòng người cao.

Như vậy, thấy rằng việc sơ tán người bằng thang bộ đang tồn tại những hạn chế và tầm ảnh hưởng đến sự an toàn quá trình thoát nạn tại các tòa nhà cao tầng và siêu cao tầng, trong khi đó có một thực tế là tòa nhà càng cao, số lượng người càng lớn thì thời gian sơ tán càng dài. Đặc biệt tại các công trình cao tầng và siêu cao tầng nếu có cả tầng hầm thì khi bị cháy nhiệt độ , nồng độ khói tăng rất nhanh sản phẩm cháy thoát ra sẽ lan nhanh lên các tầng nhất là số tầng hầm có lối đi của bố trí lên các tầng theo buồng thang trong nhà

PV: Vậy khi xảy ra cháy nổ tại các tòa nhà  cao tầng, cán bộ, nhân dân sinh sống và làm việc trong khu vực đó phải làm gì để ngăn chặn đám cháy và bảo vệ tính mạng của mình, Thưa Đại tá?

ĐT NHP: Khi xảy ra sự cố cháy tại các nhà cao tầng, mọi người có mặt trong tòa nhà phải hết sức bình tĩnh báo động cháy cho mọi người biết và báo cho người có trách nhiệm của tòa nhà, gọi điện 114 báo ngay cho lực lượng CSPCCC gần nhất. Người nào có sức khỏe, hiểu biết phải nhanh chóng cắt điện khu vực cháy. Sử dụng  các dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt ngay đám cháy, di chuyển tài sản chống cháy lan, nếu đám cháy không thể khống chế được có nguy cơ cháy lan thì nhanh chóng tổ chức thoát nạn trật tự, hợp lý (thoát nạn từng phần, từng nhóm theo tầng) theo lối cầu thang bộ gần nhất, tránh chen lấn, xô đẩy hoảng loạn mất trật tự.

PV: Thưa Đại tá, để hạn chế các sự cố xảy ra cháy nổ tại các khu nhà cao tầng thì cần phải làm gì?

ĐT NHP: Phải áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng ngừa cháy, nổ xảy ra. Trước hết chủ đầu tư, hoặc người đứng đầu cơ sở phải chấp hành và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc điều kiện an toàn PCCC như: Kết cấu, kiến trúc, bậc chịu lửa công trình, khoảng cách an toàn các giải pháp ngăn cháy lan, ngăn khói, thông gió hút khói, các giải pháp thoát nạn, hệ thống báo cháy chữa cháy tự động,… từ khâu thiết kế, xây dựng và trong quá trình đưa vào xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Ban hành nội quy, quy định về PCCC, niêm yết đầy đủ biển báo, biển cấm, sơ đồ biển chỉ dẫn thoát nạn, phòng cháy chữa cháy phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của tòa nhà.Tổ chức tuyên truyền phổ biến, đôn đốc và giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện các nội quy, quy định về PCCC, hướng dẫn kỹ năng chữa cháy và thoát nạn cơ bản cho những người thường xuyên làm việc tại tòa nhà .

Thành lập Ban chỉ huy chỉ đạo về PCCC, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở của tòa nhà có quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC& CNCH trang bị đầy đủ các trang bị phương tiện cần thiết cho lực lượng này đủ sức hoạt động.

Công ty PCCC Đà Nẵng phải thực hiện đúng quy trình, quy định về bảo trì, bảo dưỡng, vận hành sử dụng và sửa chữa thay thế các hệ thống, thiết bị PCCC. Thường xuyên lập bổ sung chỉnh lý phương án chữa cháy CNCH tổ chức học và diễn tập các phương án chữa cháy và thoát nạn với nhiều tình huống giả định cụ thể để mọi người làm việc tại tòa nhà hiểu biết và thực hiện khi có sự cố xảy ra.

PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí.

Hoài Hương (thực hiện)

Làm gì khi xảy ra cháy nổ tại các tòa nhà cao tầng ?
5 (2) Đánh giá