Biện pháp an toàn PCCC đối với dạng nhà ống khép kín

Ngày 14/03/2018

Tại đô thị hiện nay phần lớn các thiết kế nhà mới đều là dạng hình ống khép kín. Thiết kế mẫu nhà theo dạng này vô tình đã đẩy chính chủ nhà gặp nguy hiểm khi hỏa hoạn bất ngờ xảy ra. Đây là nỗi lo thường trực bởi nhà hình ống thường chỉ có một lối đi, khó thoát hiểm nên dễ gây thiệt hại nghiêm trọng về người nếu không may xảy ra sự cố hỏa hoạn. Trong tình trạng này, điều cần làm là có biện pháp kịp thời khắc phục những bất cập và bố trí lối thoát hiểm phù hợp.

Biện pháp an toàn PCCC đối với dạng nhà ống khép kín
Nhà dân được xây dựng dạng nhà ống số 148/7 đường Bùi Viện bị cháy ngày 31/12/2017

Nhà ngay mặt đường hay trong hẻm, nhà ống thường chỉ được thiết kế có một cầu thang. Vì vậy, khi có hỏa hoạn xảy ra khói, khí độc dễ lan nhanh theo trục đứng lên các tầng trên. Trong khi 3 mặt nhà đều là tường, chỉ có mặt trước nhà là có cửa sổ, vì vậy khả năng thông gió, thoát khói thường rất hạn chế. Ngoài ra, lo ngại tội phạm đột nhập trộm cắp tài sản nên gia chủ thường yêu cầu xây nhà kín đáo và khóa cửa nhiều lớp, không làm lối trổ lên mái hay cửa hậu và xây kín ban công bằng khung sắt kiên cố nên khi sự cố hỏa hoạn, thì không có lối thoát hiểm khẩn cấp hoặc dự phòng. Với nhà thiết kế theo kiểu này, cũng gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy cứu nạn, cứu hộ tiếp cận để cứu người, cứu tài sản đặc biệt là nhà trong những hẻm nhỏ.

Không có nỗi đau nào bằng việc phải chứng kiến sự ra đi đột ngột của những người thân trong các vụ hỏa hoạn. Xót xa hơn, hầu hết trong số họ đều biến dạng. Hậu quả do hỏa hoạn gây ra rất nghiêm trọng, cháy không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn để lại hậu quả rất nặng nề cho xã hội như: Ngừng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, người lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam… Còn gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường sinh thái.

Để hạn chế tối đa thiệt hại trong những vụ hỏa hoạn, cháy nổ đặc biệt là với những nhà dạng hình ống thì ngoài việc điện thoại thông báo ngay cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp đến ứng cứu, thì mỗi riêng mối cá nhân người dân hãy chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ, bằng việc tự trang bị những kiến thức cơ bản về PCCC. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân chủ quan, không chuẩn bị trước các phương tiện cứu nạn phòng cháy cần thiết, dù không quá đắt. Ngoài ra, mỗi hộ gia đình nên tự trang bị một số phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay.

Khi xây dựng nhà người dân cần phải thiết kế lối thoát hiểm, cũng như chuẩn bị dụng cụ PCCC để đề phòng những sự cố hỏa hoạn, cháy nổ bất ngờ xảy ra. Khi xây dựng nhà thì phải thiết kế sao cho bên ngoài không thể vào được, nhưng bên trong có thể ra ngoài được dễ dàng. Đơn cử như, để chìa khóa mở cửa thoát hiểm ở vị trí cố định mà tất cả thành viên trong gia đình đều biết và sử dụng được khi cần. Đặc biệt, cần treo thêm một chiếc búa nhỏ gần ổ khóa để trong những trường hợp khẩn cấp, nếu mở không được cửa thì dùng búa đập khung sắt để thoát ra ngoài.

Sau đây là một số khuyến cáo dành người dân khi sinh sống trong những ngôi nhà có dạng hình ống:

– Khi phát hiện ra cháy, cách tốt nhất là người dân nên tìm lối thoát hiểm phía đằng trước nhà như ban công, rồi đóng chặt cửa ban công để ngăn khói tỏa ra, tự thoát nạn bằng cách trèo qua lan can sang nhà bên cạnh, dùng dây hoặc chăn vải kết thành sợi dây thoát xuống phía dưới và kịp thời thông báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến giải cứu.

– Nếu ngôi nhà thiết kế không có ban công và không thể thoát ra ngoài bằng dây thang thì lập tức phải đóng chặt cửa phòng, lấy khăn ướt bịt kín các lỗ phía dưới và trên cửa để nhằm ngăn khói lan vào phòng; Gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC qua số điện thoại 114 và thông tin về đám cháy như: nơi xảy ra cháy, vị trí (tầng mấy, phòng mấy) và có khoảng bao nhiêu người mắc kẹt.

– Không nên để nhiều đồ dùng, hàng hoá dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ dầu, xăng, khí đốt và chất lỏng dễ cháy trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ với số lượng ít nhất; ô tô, xe máy và phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín.

– Xem xét lại hệ thống điện trong nhà, thường xuyên kiểm tra đường dây dẫn điện, thiết bị bảo vệ như công tắc, cầu chì, aptomat. Kiểm tra các thiết bị tiêu thụ điện không để gần chất liệu dễ cháy như màn, rèm…

– Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas. Nếu đun nấu bằng bếp dầu phải đủ bấc và thường xuyên được lau chùi sạch sẽ.

– Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện; bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

– Trước khi rót dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu. Khi đun nấu phải có người trông coi; trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết; không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.

– Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khoá. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Nếu cửa có nhiều khoá nên sử dụng các loại khoá kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khoá dễ thấy, dễ lấy.

– Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khoá cửa phòng của những người nêu trên; chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn; mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra.

– Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

Khi không may xảy ra cháy, nổ, người dân cần thực hiện các kỹ năng cơ bản dưới đây:

– Không hoảng sợ, hãy bình tĩnh suy xét là yếu tố quan trọng nhất.

– La to hoặc ấn chuông báo cháy để thông báo cho mọi người biết là có cháy xảy ra.

– Ngắt điện, hoặc báo cho chi nhánh điện lực để cắt điện tại khu vực xảy ra cháy, nổ.

– Nếu đám cháy còn nhỏ, mới phát sinh thì nhanh chóng sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ như: bình chữa cháy, nước, cát, chăn nhúng nước để dập tắt đám cháy.

– Trong trường hợp không xử lý được đám cháy phải nhanh chóng thoát ra, bằng cách dùng khăn, vải, chăn màn thấm nước bịt kín mắt, mũi, miệng và bò sát mặt đất để thoát ra ngoài. Đóng cửa phòng bị cháy lại để ngăn khói và nguồn nhiệt thoát ra ngoài hạn chế không cho gió thổi vào tạo nguồn oxi gay cháy lan, cháy lớn.

– Gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp qua số điện thoại 114.

Theo Cảnh sát PCCC HCM

Đánh giá bài viết!