Biện pháp an toàn khi bảo quản, sử dụng khí gas ở các hộ gia đình

Ngày 10/11/2017

Thời gian gần đây trên địa bàn cả nước xảy ra một số vụ cháy, nổ khí gas gây thiệt hại lớn về người và tài sản gây hoang mang cho nhân dân và dư luận.

Điển hình như vụ nổ xảy ra ngày 03/11/2011 tại ngôi nhà 2 tầng của ông Trần Nhật Minh (SN 1968) ở ngõ 22 Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội gây thiệt hại rất nghiêm trọng, hai vợ chồng ông bị thương nặng, hai con là Trần Ngọc Tâm (SN 1999) và Trần Duy Anh (SN 2005), đang ngủ trên tầng 2 bị trần ngôi nhà này đổ sập, đè bẹp đống đổ nát. Nghiêm trọng hơn nữa tối 7/4/2012 tại khu trọ phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương Khu nhà trọ trên do một cặp vợ chồng sang chiết gas từ bình 12 kg sang bình các bình mini để bán cá viên chiên, khí gas rò rỉ đã làm cháy cả khu trọ, khiến 11 người thành “đuốc sống”…

Ở thành phố Đà Nẵng gần đây đã xảy ra một số vụ rò rỉ khí gas gây cháy ở một số hộ gia đình và phòng trọ nhưng do được phát hiện kịp thời nên đám cháy được dập tắt ngay tại chỗ, chưa gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên việc phần lớn người dân chưa được phổ biến, kiến thức về các biện pháp bảo quản, sử dụng khí gas, mà chỉ cần mua bếp, bình gas về rồi sử dụng nên tiềm ẩn nguy cơ rất cao. Để phòng ngừa nguy cơ cháy nổ khí gas ở các hộ gia đình xin đưa ra một số biện pháp an toàn khi bảo quản, sử dụng khí gas như sau:

1. Sử dụng loại bình gas phải có nhẵn mác đầy đủ, xuất xứ rõ ràng, có niêm phong tem chính hãng được in bằng công nghệ laser nền các hoa văn rất sắc nét, không nhòe, không bị nhăn. Tuyệt đối không sử dụng các bình gas quá hạn hoặc bị rỉ sét do ăn mòn kim loại, van khóa rơ lỏng.
binhga

2. Định kỳ kiểm tra bếp, bình gas từ 6 tháng – 1 năm/lần. Khoảng 2-3 năm thay thế ống dẫn gas và 5 năm đối với van điều áp.

3. Đặt bình gas ở tư thế thẳng đứng, không đặt nằm; quá trình sử dụng không dự trữ thêm bình. Bình gas đặt thấp hơn bếp để gas lưu thông đến bếp được tốt và tránh đọng gas dưới đáy bình khi sử dụng gần hết bình gas. Bình gas để cách xa bếp gas và các nguồn nhiệt, tia lửa điện (bếp lửa, công tắc, phích cắm điện) tối thiểu 1,5m. Bếp gas phải đặt cách tường hoặc các vật chắn khác ít nhất 15, 20cm và xa các vật liệu dễ cháy nổ, tránh gió lùa trực tiếp để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình sử dụng.

4. Khi ngửi thấy mùi gas:

+ Phải nhanh chóng khóa van ở đầu bình gas. Kiểm tra ngay vòi dẫn khí gas, các khớp nối bằng xà phòng.

+ Tuyệt đối không được làm phát sinh tia lửa, như: bật công tắc đèn, cầu dao điện, khởi động xe máy, gọi điện thoại di động, hút thuốc lá, tắt các nguồn nhiệt ở khu vực xung quanh.

+ Mở hết cửa để thông gió tự nhiên.

5. Tuyệt đối không được dùng lửa để kiểm tra, không kiểm tra bình gas gần thiết bị sinh ra tia lửa ở gần như: bật lửa, diêm quẹt, sử dụng các ổ cắm điện, hút thuốc, khởi động mô tô, xe máy… vì dễ làm gas bắt lửa, gây cháy.

6. Nếu mồi lửa phải dùng bật lửa chuyên dụng (dài). Bật trước rồi mới vặn gas sau.

7. Tắt bếp hoàn toàn khi không sử dụng, khóa van bình gas khi nấu xong.

8. Tuyệt đối không được đậy, che chắn hoặc để các chất liệu dễ bắt lửa, như: giấy, vải, nhựa… gần khu vực bếp gas.

9. Thường xuyên vệ sinh dầu mỡ bám xung quanh bếp nấu.

10. Khi chỉnh sửa bếp, thay bình gas, dây dẫn, van, kẹp…phải liên hệ với các đại lý hoặc nhà phân phối gas để được hỗ trợ.

11. Tuyệt đối không sang triết gas hoặc mót vét gas từ bình lớn sang bình nhỏ.

Khi xảy ra cháy gas bình tĩnh xử lý, sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy (Không sợ nổ bình gas) hoặc gọi điện thoại 114.

Theo pccc.danang

Biện pháp an toàn khi bảo quản, sử dụng khí gas ở các hộ gia đình
3.75 (4) Đánh giá