Thực trạng và giải pháp PCCC trên địa bàn TP Đà Nẵng

Ngày 21/09/2017

1. Thực trạng:

Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, xã hội, những năm gần đây Thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách mở cửa, kích cầu, thu hút đầu tư dẫn đến sự xuất hiện nhiều loại hình cơ sở kho, bãi chứa hàng hóa với nhiều quy mô. Đây là những đối tượng mà khi cháy, nổ không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, môi trường mà còn ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự. Thực tế cho thấy, các kho bãi là nơi tập trung nguyên vật liệu, hàng hóa lớn, hầu hết là các chất dễ cháy và nguy hiểm về cháy nổ như vải, da giày, giấy, gỗ, các loại dung môi hữu cơ. Nhiều nhà xưởng được xây dựng trước sau đó tiến hành cải tạo, thay đổi công năng để cho thuê nên khi khai thác sử dụng, các điều kiện về an toàn PCCC không phù hợp theo công năng của từng loại hình cơ sở. Nhiều cơ sở kinh doanh kho, bãi nằm xen kẽ trong khu dân cư không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, trang bị hệ thống PCCC không đầy đủ, đường giao thông, nguồn nước phục vụ cho xe chữa cháy hoạt động không đáp ứng được yêu cầu cứu chữa khi có cháy xảy ra. Đáng chú ý là các vụ cháy:

– Lúc 12 giờ ngày 20/4/2012 tại kho chứa hàng điện tử của Siêu thị Viettronlimex Đà Nẵng (Tổ 46 phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Diện tích kho chứa khoảng 200 m2, nơi đây tập trung chủ yếu là điện máy gồm tivi, tủ lạnh, máy giặt,…. Tại thời điểm xảy ra cháy trong kho chứa số lượng hàng hóa tập trung tương đối lớn nên khi xảy ra cháy đã thiêu rụi hầu hết số hàng điện tử, điện máy trong kho.

– Lúc 23 giờ 00 phút ngày 6/5/2015 tại kho chứa nguyên liệu sơn của Công ty TNHH Hà Hưng tại đường Trần Tử Bình (tổ 4, thôn Bầu Cầu, xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng). Khu vực chứa kho hóa chất được tận dụng từ nhà ở của người dân, diện tích kho chứa khoảng 100m2, tại thời điểm xảy ra cháy trong kho chứa khoảng 200 phuy dung môi thể tích 220 lít, hơn 100 thùng keo tổng hợp loại 20 lít, và hàng chục thùng sơn PU; theo ước tính khoảng 8 tấn hóa chất. Nguyên nhân xảy ra cháy là do sự cố phát nổ hỗn hợp hơi khí dung môi pha sơn gây ra cháy, thiệt hại vụ cháy khoảng 100 triệu đồng.

– Lúc 11 giờ 40 phút tại kho chứa sơn của Công ty TNHH MTV Thành Hoàng Châu (số 33 đường Kinh Dương Vương, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Khu vực chứa hóa chất là nhà xưởng sản xuất sơn có diện tích khoảng 570,5m2, tại thời điểm xảy ra cháy trong kho chứa nhiều hóa chất là dung môi pha sơn. Thiệt hại do vụ cháy gây ra ước tính khoảng 10 tỷ đồng.

Trước nguy cơ cháy nổ đối với loại hình kinh doanh trên, ngày 09 tháng 6 năm 2015 Giám đốc Cảnh sát PC&CC thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch số 693/KH-CSPC&CC(HDCĐPC) về việc kiểm tra chuyên đề các cơ sở có mặt bằng kinh doanh cho thuê kho, bãi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng . Các đơn vị thuộc Cảnh sát PC&CC thành phố Đà Nẵng đã tổ chức khảo sát và kiểm tra thực tế tại 136 cơ sở cơ sở có mặt bằng kinh doanh cho thuê kho, bãi. Qua kiểm tra nhận thấy người đứng đầu cơ sở đã có những biện pháp đảm bảo công tác an toàn PCCC như: Đầu tư kinh phí để trang bị những dụng cụ, phương tiện PCCC ban đầu nhằm đáp ứng yêu cầu công tác chữa cháy (bình chữa cháy xách tay, hệ thống chữa cháy vách tường, bể nước phục vụ chữa cháy…), mở hồ sơ theo dõi công tác PCCC, xây dựng phương án tại chỗ phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi có sự cố cháy xảy ra, ban hành quy định, nội quy PCCC, trang bị nội quy, tiêu lệnh PCCC, biển báo, biển cấm, thực hiện công tác tự kiểm tra an toàn PCC và mua bảo hiểm cháy nổ .bắt buộc…Tuy nhiên bên cạnh những mặt đã làm được một số cơ sở còn những tồn tại thiếu sót về PCCC cụ thể:

– Nhà xưởng hầu hết đều làm bằng kết cấu sườn sắt, mái tôn có giới hạn chịu lửa thấp, dễ bị sụp đổ khi xảy ra cháy, diện tích lớn, trong nhà xưởng thường bố trí kho, văn phòng làm việc, nhưng giữa các bộ phận này không có tường ngăn cháy, nhiều nhà xưởng được chủ đầu tư xây dựng sẵn để cho thuê nhưng chưa biết được tính chất hoạt động của cơ sở nên khi khai thác sử dụng, hệ thống Phòng cháy chữa cháy thường không phù hợp với công năng của từng ngành, nghề, do đó khi có cháy xảy ra không được phát hiện kịp thời và chữa cháy kém hiệu quả.

– Việc chấp hành các quy định của pháp luật tại một số cơ sở còn mang tính hình thức, đối phó, chất lượng chưa cao; công nhân chưa được phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC; công tác tự kiểm tra an toàn PCCC chưa thật sự quan tâm; việc tổ chức khắc phục sơ hở, thiếu sót vi phạm quy định an toàn PCCC tại một số cơ sở còn chậm. Lực lượng Phòng cháy chữa cháy cơ sở còn mỏng (nhất là lực lượng thường trực vào ban đêm) chưa xứng tầm với quy mô sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trang bị phương tiện còn thiếu so với yêu cầu thực tế.

– Các cơ sở xây dựng trong khu công nghiệp đã được cơ quan PCCC thẩm duyệt và nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, một số cơ sở do mở rộng quy mô sản xuất nhưng mặt bằng không được mở rộng thêm nên chủ đầu tư đã tự ý cho xây dựng thêm các công trình phụ trợ làm nơi sản xuất, kho chứa, nơi để xe công nhân…, lấn chiếm khoảng cách an toàn Phòng cháy chữa cháy so với thiết kế xây dựng ban đầu.

– Một số cơ sở tuy có phương án PCCC nhưng nội dung phương án, xử lý tình huống còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế; chưa chủ động tự tổ chức cho cán bộ-công nhân viên học tập; thực tập về phương án nên còn lúng túng khi có cháy xảy ra. Một số đơn vị chưa mua bảo hiểm hoặc đã mua nhưng không đúng theo quy định cháy, nổ bắt buộc.

– Tại các nhà kho chưa chú trọng khâu vệ sinh công nghiệp, còn tình trạng câu móc điện tùy tiện. Hàng hóa tại các kho hàng được bố trí không ngăn nắp, che khuất tầm nhìn, không đảm bảo yêu cầu xử lý tình huống khi có cháy, nổ xảy ra.

– Nhiều cơ sở, chủ đầu tư xem nhẹ công tác PCCC, để tiết kiệm chi phí chủ đầu tư đã thuê mặt bằng của các doanh trại quân đội, nhà dân cải tạo làm kho chứa hàng nhằm trốn tránh các quy định về PCCC, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật về PCCC như trang bị hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động,…

2. Giải pháp:

Để đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC tại các cơ sở có mặt bằng kinh doanh cho thuê kho, bãi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cụ thể như sau:

– Tiếp tục và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp Luật về Phòng cháy chữa cháy nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình đối với công tác PCCC; đặc biệt là nhận thức của người đứng đầu cơ sở về việc chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư, xây dựng và trang bị hệ thống PCCC tại cơ sở.

– Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác PCCC. Người đứng đầu các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC. Trong quy hoạch, xây dựng các đô thị mới, khu dân cư phải thực hiện đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC, bảo đảm giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy. Thường xuyên chỉ đạo và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về PCCC trong phạm vi quản lý của ngành, địa phương mình phụ trách.

– Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp an toàn PCCC đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục các tồn tại thiếu sót. Kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về Phòng cháy, chữa cháy; tạm đình chỉ hay đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị, cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC; đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy, chữa cháy hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự phải được xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật .

– Kiện toàn tổ chức lực lượng PCCC của cơ sở, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ PCCC, chú trọng việc đầu tư kinh phí , trang bị đầy đủ phương tiện, dung cụ PCCC cho lực lượng này. Rà soát, củng cố và xây dựng mới các đội PCCC cơ sở theo quy định của Luật PCCC, nhất là ở những cơ sở, địa bàn trọng điểm có nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao.

– Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện phương án chữa cháy đối với tất cả các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó chú trọng các cơ sở cơ sở cho thuê kho, bãi; việc tổ chức thực tập phương án chữa cháy phải được tiến hành thường xuyên theo quy định. nhất là phương án xử lý cháy, nổ lớn phức tạp huy động nhiều lực lượng phương tiện tham gia.

– Hàng hóa, vật tư nguyên liệu có nguy hiểm cháy, nổ cần rà soát, phân loại theo tính chất nguy hiểm cháy, nổ để bố trí sắp xếp, bảo quản đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, đề phòng và ngăn cháy lan bên trong nhà, xưởng hoặc cháy lan từ ngoài vào trong . Kho, bãi bảo quản hàng hóa, vật tư, nguyên liệu dễ cháy phải bố trí riêng biệt hoặc cách ly với kho thành phẩm bằng tường, vách ngăn cháy theo đúng tiêu chuẩn quy định. Tuyệt đối không để nguyên liệu vật tư chưa sử dụng tồn đọng trong các nhà, phân xưởng sản xuất. Các loại phế liệu phải được dọn dẹp thường xuyên, đưa ra nơi an toàn, cách xa khu vực sản xuất.

– Tuyệt đối cấm các cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư tự ý lấn chiếm đường giao thông nội bộ, lấn chiếm khoảng cách an toàn Phòng cháy chữa cháy so với thiết kế xây dựng ban đầu, xây dựng thêm các công trình phụ làm nơi sản xuất, kho chứa hàng, nơi để xe công nhân…gây ảnh hưởng đến công tác triển khai lực lượng chữa cháy khi có cháy, nổ xảy ra.

Công tác phòng cháy chữa cháy giúp nâng cao nhận thức của mọi người, nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc góp phần hạn chế những rủi ro về cháy nổ xảy ra, để hiểu rõ hơn về công tác này thì bạn có thể tham khảo ngay tại đây: https://pccctoantienphat.vn/tang-cuong-cong-tac-pccc-tai-cac-co-so-tren-dia-ban-huyen-hoa-vang/

Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy

Đánh giá bài viết!